Đánh giá của bạn

Đánh giá Điện thoại Asus Zenfone 5 (2018) có gì đặc biệt

Đánh giá Asus Zenfone 5 (2018): Sự trở lại ấn tượng

Zenfone 5 là sản phẩm tầm trung của Asus với rất nhiều yếu tố hấp dẫn về thiết kế, màn hình, camera và cả các tính năng phụ trợ. Tuy nhiên, liệu từng đó có đủ để giúp Asus quay trở lại đỉnh vinh quang?


Asus từng có một thời kỳ huy hoàng ở Việt Nam khi chào sân thị trường smartphone Việt với bộ ba Zenfone 4, Zenfone 5Zenfone 6 năm 2014. Được đặt tên dựa trên kích thước màn hình (4, 5 và 6 inch), những chiếc máy này của Asus đều được đánh giá là "bá chủ" ở phân khúc của nó (2, 4 và 6 triệu đồng), đánh bật mọi đối thủ khác nhờ vào thiết kế, cấu hình và các tính năng đi kèm.

Tuy nhiên, Asus không giữ được phong độ của mình trong những năm sau đó. Zenfone 2 mặc dù có cấu hình rất hấp dẫn trong tầm giá, tuy nhiên vẫn mắc phải những vấn đề mà người dùng than phiền ở thế hệ đầu như chip Intel không ổn định, pin yếu, camera tệ và chất lượng gia công kém. Zenfone 3 và Zenfone 4 đã tốt hơn rất nhiều, tuy nhiên vẫn "chìm nghỉm" và không để lại dấu ấn với người dùng trước một rừng các lựa chọn. Trên thực tế, Asus chỉ tập trung dòng Max ở VN với thế mạnh về dung lượng pin lớn và giá rẻ (< 5 triệu đồng), còn lại các phân khúc khác đều bị hãng này bỏ ngỏ.

Vừa qua, một vài tháng sau khi lần đầu công bố tại MWC 2018, Asus đã chính thức tung ra chiếc Zenfone 5 tại thị trường Việt Nam. Mang theo slogan "Back to 5", đây là chiếc máy thứ hai của Asus sở hữu tên gọi này, nhưng có lẽ nó cũng là cách Asus thể hiện tham vọng đạt được thành công như những gì chiếc Zenfone 5 từng làm cách đây 4 năm trước.

Giá bán, các đối thủ cạnh tranh và cách tiếp cận thị trường của Asus

Zenfone 5 sở hữu mức giá chính thức tại Việt Nam là 7.99 triệu đồng và thuộc phân khúc tầm trung. Đây cũng là nơi chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt, khi Zenfone 5 sẽ phải đối mặt với hàng loạt đối thủ sừng sỏ như Huawei Nova 3E, Oppo F7, Nokia 7 Plus, Samsung Galaxy A6... Vậy, Asus sẽ phải làm gì để thu hút người dùng?

Lần này, Asus quyết định nhìn ra ngoài kia và chạy theo những xu hướng thịnh hành. Và đâu là cái tên có sức ảnh hưởng nhất trên thị trường? Apple! Hãy tạo nên một chiếc máy giống iPhone X nhất có thể, nhưng với mức giá thật phải chăng. Hãy cùng xem chiếc "iPhone X giá 8 triệu" của Asus ra sao.

Phần cứng ấn tượng trong phân khúc

Khi mà nhôm đã trở thành một vật liệu quá đỗi "bình thường", thì nay, kính là chuẩn mực mới của sự sang trọng. Zenfone 5 sở hữu thiết kế được kết hợp bởi hai mặt kính và viền kim loại, trong đó cụm camera kép ở mặt sau được đặt dọc. Nếu như không có cảm biến vân tay ở mặt lưng, có lẽ không ít người sẽ lầm tưởng rằng Zenfone 5 là iPhone X. Cũng cần nhấn mạnh rằng, khác với một đối thủ là Oppo F7, thì Zenfone 5 được làm bằng kính và viền kim loại thật - không phải là nhựa như Oppo.

Về chất lượng hiển thị, màn hình 6.2 inch IPS LCD của Zenfone 5 cho chất lượng rất tốt: màu sắc tươi tắn, góc nhìn rộng và sắc nét. Nó cũng có thể đạt độ sáng tối đa lên đến hơn 500 nits. Asus còn trang bị cho màn hình này công nghệ tự động điều chỉnh nhiệt độ màu sắc của màn hình dựa trên điều kiện ánh sáng bên ngoài, giống với True Tone trên iPhone 8/X. Bộ phần mềm Splendid của Asus còn đem đến một số tùy chọn khác như chặn ánh sáng xanh hay điều chỉnh màu sắc theo ý muốn.

Có một thứ mà Asus có thể tích hợp trong phần notch của Zenfone 5 mà không một đối thủ nào khác trong cùng phân khúc làm được - đó là loa kép. Sau một thời gian dài sử dụng những chiếc flagship như iPhone X, Galaxy S9 hay Xperia XZ2, việc sử dụng một thiết bị tầm trung với loa kép khiến cho tôi thấy thoải mái hơn rất nhiều. Chất lượng loa của Zenfone 5 rõ ràng khó có thể tốt bằng những chiếc flagship kia, nhưng nó vẫn là thứ tốt nhất trong phân khúc và bỏ xa các đối thủ còn lại.
Đương nhiên, nếu như mặt sau đã giống iPhone X đến vậy thì Asus cũng không thể bỏ qua mặt trước và trang bị cho Zenfone 5 một màn hình "tai thỏ". Asus tự hào về việc phần khoét (notch) của Zenfone 5 bé hơn so với iPhone X, tuy nhiên đây là hệ quả tất yếu do Zenfone 5 không được trang bị camera TrueDepth tiên tiến như iPhone.

Trái tim của Zenfone 5 là con chip Snapdragon 636. Đây là con chip tương đối mới và đã từng được chúng tôi đánh giá hiệu năng trên một chiếc máy khác là Xiaomi Redmi Note 5

Nhìn chung, Snapdragon 636 không phải con chip mạnh nhất mà người dùng có thể sở hữu trong tầm giá (Snapdragon 660 của Nokia 7 Plus và Helio P60 của Oppo F7 đều mạnh hơn). Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đây là một vấn đề quá lớn do Snapdragon 636 thua thiệt những con chip này không nhiều, và Asus đã bù đắp cho điều này bằng những nâng cấp đáng giá hơn, ví dụ như loa kép hay vỏ kính mà chúng ta đã thấy ở trên.

Thời lượng pin của Zenfone 5 cũng khá tốt. Viên pin 3300mAh đủ để người dùng có thể thoải mái sử dụng trong 1 ngày. Asus cũng trang bị cho Zenfone 5 cổng USB-C mới nhất, hỗ trợ sạc nhanh. Tiếc rằng đi kèm hộp của Zenfone 5 lại là sạc 5V-2A thông thường.

Camera: Chưa hoàn hảo nhưng dễ dàng thuộc top đầu

Chụp ảnh là yếu tố mà Asus tỏ rõ sự tập trung trên những thế hệ Zenfone gần đây, thể hiện qua việc toàn bộ các mẫu Zenfone từ cao cấp đến giá rẻ đều được trang bị camera kép. Thậm chí, vỏ hộp của máy cũng được in dòng chữ "We Love Photo" (Chúng tôi yêu nhiếp ảnh).

Tiếp nối truyền thống này, Zenfone 5 được Asus bố trí hệ thống camera kép gồm một ống kính góc thường và một ống kính góc siêu rộng. 

Tính năng được Asus quảng cáo nhiều nhất là AI Camera. Tương tự như một số mẫu máy của Huawei, khi người dùng giơ camera của Zenfone 5, AI sẽ nhận dạng khung cảnh/vật thể mà người dùng đang chụp, hiển thị nó ở trên màn hình và tối ưu hoá bức ảnh sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra, AI còn được áp dụng ở tính năng Portrait Mode (chụp ảnh chân dung) để phân tích và làm mở hậu cảnh.

Trước khi đi vào những tính năng "độc", hãy cùng nói về chất lượng ảnh chụp của Zenfone 5. Phải nói rằng những gì mà chiếc máy này thể hiện là rất tốt - những bức ảnh đều cho độ chi tiết tạm ổn, dynamic range tương đối tốt và màu sắc rực rỡ vừa đủ. Tốc độ lấy nét và chụp ảnh của chiếc máy này cũng nhanh.

Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng của Zenfone 5 đã có sự tiến bộ so với các thế hệ trước. Asus đã không còn sử dụng thuật toán khử nhiễu mạnh như trước và giúp cho ảnh giữ được nhiều chi tiết. Mặt trái của việc này là nhiễu sẽ xuất hiện rất rõ, tuy nhiên đó là điều mà người dùng hoàn toàn có thể khắc phục bằng hậu kỳ.

Đối với đối tượng người dùng chuyên nghiệp, Zenfone 5 cũng có chế độ Pro với histogram (biểu đồ ánh sáng) và các thông số có thể chỉnh tay như White Balance, EV, ISO, phơi sáng (1/10000 đến 32 giây).

Super Resolution là một tính năng khác mà có thể dân ảnh sẽ quan tâm khi nó cho phép chụp ảnh với độ phân giải 49MP, tuy nhiên qua trải nghiệm thực tế thì nó không khác biệt so với ảnh mặc định 12MP là bao, trong khi dung lượng ảnh lại lớn hơn nhiều và người dùng cũng phải đợi khoảng 3 giây mỗi khi chụp để máy xử lý.

Chuyển sang tính năng then chốt của cụm camera kép Zenfone 5 là chụp ảnh góc rộng, nó cho hiệu quả rõ rệt và giúp cho người dùng đưa vào khung hình của mình nhiều thứ hơn hẳn so với ống kính mặc định. Do bản chất của ống kính góc rộng, ảnh sẽ bị méo ở góc, bù lại người dùng có thể tạo ra những bức ảnh với hiệu ứng khá độc đáo.

Ảnh chụp bằng camera góc siêu rộng (trái) và camera góc thường
Một điều mà người dùng cần lưu ý là ống kính góc rộng này cho chất lượng ảnh kém hơn rõ rệt so với ống kính chính, trong đó độ chi tiết là thứ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tình trạng bệt chi tiết xảy ra ngay cả trong điều kiện đủ sáng. Hiện tượng "color fringing" cũng thấy rõ ở đường bao. Màu sắc cũng được xử lý khác so với ống kính thường, khi độ bão hòa (saturation) và exposure bị đẩy cao hơn, ảnh thường bị ám đỏ và cháy sáng ở vùng bầu trời.

Chế độ chụp ảnh xóa phông cho kết quả khá tốt. Khi so sánh với iPhone X, Zenfone 5 cho thấy khả năng xác định viền và làm mờ hậu cảnh tương đối chính xác. Tuy nhiên, do Zenfone 5 không có ống kính tele, vậy nên người dùng sẽ cần tự mình điều chỉnh khoảng cách giữa camera và vật thể một cách phù hợp để bokeh trông thật nhất.

Về khả năng quay phim, Zenfone 5 hỗ trợ quay 4K@30fps, 1080p@30/60/120fps, 720p@30/120fps và cả độ phân giải phù hợp với tỷ lệ màn hình 18:9 là 2160x1080@30fps. Cần lưu ý rằng trong chế độ video thì Zenfone 5 sẽ sử dụng EIS (chống rung điện tử) thay vì OIS (chống rung quang học), tuy nhiên kết quả vẫn cho ra rất khả quan. Và, cũng như ảnh chụp, video quay bằng ống kính góc siêu rộng cho chất lượng kém hơn rất nhiều ống kính thường.

Bên cạnh đó, Zenfone 5 cũng được tích hợp tính năng quay slow-motion 720p@240fps hoặc 1080p@120fps.

AI: Đi đâu cũng thấy, nhưng liệu có đem lại giá trị thật sự?

Như đã nói ở trên, Zenfone 5 là một chiếc máy chạy theo xu thế. Và một trong những xu thế nổi cộm nhất trong thời gian qua chính là AI - trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, Asus đã trang bị cho chiếc máy này nhiều tính năng AI hơn bất kỳ chiếc điện thoại nào khác mà tôi từng sử dụng, xuyên suốt mọi khía cạnh của hệ điều hành. Vậy, hãy cùng xem trí thông minh nhân tạo của Asus thật sự thông minh đến đâu.

AI Boost là tính năng giúp tăng cường hiệu năng của thiết bị, mà theo Asus là có thể giúp cho Zenfone 5 với chip Snapdragon 636 có thể đánh bại Zenfone 4 với chip Snapdragon 660. Thật vậy, khi vào một vài ứng dụng benchmark, người dùng được "khuyến nghị" nên bật AI Boost để đạt kết quả cao hơn. 

Máy khuyến khích người dùng bật AI Boost khi benchmark. Khi bật chế độ này, tất cả các nhân của con chip Snapdragon 636 sẽ được đẩy lên xung nhịp tối đa

Theo những gì quan sát, khi bật AI Boost, máy sẽ đẩy xung nhịp của cả 8 nhân con chip Snapdragon 636 lên mức tối đa (1.8Ghz với 4 nhân A73 và 1.6Ghz với 4 nhân A53) và giúp tăng cường hiệu năng đáng kể. Tuy nhiên, thật sự thì tính năng này không đem lại nhiều ý nghĩa trong quá trình sử dụng thực tế do gây ảnh hưởng rất nhiều đến thời lượng pin. Có lẽ, AI Boost chỉ để phục vụ cho mục đích đua điểm benchmark mà thôi.

AI Boost cho thấy sự khác biệt rõ về hiệu năng, tuy nhiên không có nhiều giá trị trong quá trình sử dụng thực tế

Bên cạnh mở khoá bằng dấu vân tay, Zenfone 5 còn có khả năng mở khoá bằng khuôn mặt. Do không được trang bị công nghệ hồng ngoại hay quét 3D như iPhone X và chỉ sử dụng camera thường, vậy nên tính năng này không bảo mật và không hoạt động trong bóng tối. Đây là hạn chế của không chỉ riêng Zenfone 5 mà đa phần các thiết bị Android khác đều mắc phải. Tuy nhiên, khi so sánh với một số thiết bị của Oppo hay Xiaomi, tốc đọ mở khoá khuôn mặt của Zenfone 5 cũng không nhanh và không ổn định bằng.

ZeniMoji là câu trả lời của Asus dành cho Animoji của Apple. Tuy nhiên, chất lượng đồ hoạ của nó rất thấp, các nhân vật cũng không "dễ thương" bằng Apple và khả năng theo dõi chuyển động khuôn mặt cũng kém. Đây là phiên bản copy "lỗi" nhất của Animoji tính đến thời điểm hiện tại.

Zenfone 5 còn một số tính năng thông minh khác như AI Ringtone (tự động điều chỉnh nhạc chuông dựa trên điều kiện môi trường, AI Display (không tắt màn hình khi người dùng đang nhìn vào nó), AI Charging (điều chỉnh tốc độ sạc dựa trên thói quen của người dùng để bảo vệ pin), Smart Wallpaper (chọn màu sắc của chữ trên màn hình chính sao cho thật dễ nhìn với hình nền) hay Suggested Apps (gợi ý ứng dụng mà người dùng có thể sẽ khởi chạy ở dưới cùng của app drawer). 

Không khó để nhận ra Zenfone 5 là chiếc smartphone với nhiều "AI" nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, không khó để thấy rằng đa phần những công nghệ trên thực chất không có gì mới và "thần thánh" để xứng đáng với cái mác AI đang thịnh hành hiện nay. Tôi tin rằng, những công nghệ này sẽ mang đến lợi ích cho người dùng bằng một cách nào đó, tuy nhiên mục đích chính của Asus khi đặt cái tên "AI" chỉ là để chạy theo trào lưu mà thôi.

ZenUI: Đã có sự tiến bộ, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn còn đó

Trên những chiếc máy Asus trước đây, phần mềm ZenUI vẫn luôn là thứ mà cá nhân tôi không có cảm tình nhất, khi nó xấu, nặng nề và thật phiền phức. Thực tế, đây không phải là lời phàn nàn của riêng tôi mà còn là của rất nhiều người dùng khác. Vậy nên trên Zenfone 5, đi đôi với một phần cứng lột xác, ZenUI cũng được Asus làm mới.

Giao diện ZenUI trên Zenfone 5

Cũng như một số nhà sản xuất smartphone "tai thỏ", Asus đưa ra tùy chọn cho phép ẩn phần notch đi. Khi xem video toàn màn hình, nội dung hiển thị mặc định cũng sẽ không bị ảnh hưởng. Asus cũng khéo léo sắp xếp biểu tượng cột pin từ ngang sang dọc để có thêm không gian hiển thị cả % pin.

Tính năng cho phép ẩn "tai thỏ"

Đối với các ứng dụng chưa được tối ưu hóa cho tỷ lệ màn hình mới, chúng mặc định được hiển thị ở kích thước tiêu chuẩn 16:9. Lúc này, ở thanh điều hướng sẽ có một nút bấm cho phép người dùng ép ứng dụng đó chạy ở tỷ lệ 18.7:9 của Zenfone 5.

Điều chính tỷ lệ hiển thị của ứng dụng để tăng tính tương thích hoặc thẩm mỹ

Nói về thanh điều hướng, ZenUI có tùy chọn ẩn nó để thay bằng cử chỉ. Tuy nhiên, nó không giống như iPhone X mà lại vẫn theo trường phái của Android, tức là nguời dùng sẽ hất ở bên trái, giữa và bên phải ở cạnh dưới màn hình để lần lượt kích hoạt nút Back, Home và Recent. Nếu không thích cử chỉ này, người dùng có thể hiển thị 3 nút ảo trên màn hình như truyền thống.

Mặc cho những thay đổi tích cực để phù hợp với thời cuộc, tuy nhiên Zen UI vẫn còn một vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết triệt để, và đó là hiệu năng. Mặc dù sở hữu cấu hình phần cứng rất tốt, nhưng Zenfone 5 không đem đến sự mượt mà mà người dùng trông đợi. Các hiệu ứng chuyển cảnh được thể hiện "giật cục", và có một vài thời điểm máy trở nên chậm chạp đến khó hiểu. Đây chắc chắn là những vấn đề về phần mềm mà Asus có thể tập trung cải thiện trong tương lai.

Tổng kết: Sự lựa chọn tuyệt vời trong tầm giá, tuy nhiên liệu có giúp Asus thành công?

Zenfone 5 là một chiếc máy rất ấn tượng. Những gì mà Asus trang bị cho phần cứng của Zenfone 5 như thiết kế bằng kính và kim loại, màn hình tai thỏ, cấu hình mạnh, loa kép, camera kép, cổng USB-C... khiến cho tôi không hề có cảm giác mình đang sử dụng một thiết bị tầm trung. Asus đã phải rất nỗ lực trong việc cân đối chi phí thì mới có thể bán ra một chiếc máy "đầy đặn" như Zenfone 5 với mức giá như vậy. Tuy rằng phần mềm của chiếc máy này vẫn còn vấn đề, và những công nghệ AI có vẻ như là chiêu trò marketing, nhưng đó là những thứ mà Asus có thể khắc phục trong tương lai.

Đến đây sẽ có người nghĩ rằng: "Một chiếc máy tốt như Zenfone 5 chắc hẳn sẽ phải thành công lắm". Tiếc rằng, mọi thứ không đơn giản như vậy. Ra mắt từ tháng cuối tháng 2, nhưng phải đến giữa tháng 5 thì Zenfone 5 mới được bán tại Việt Nam. Giữa khoảng thời gian đó, hàng loạt mẫu máy giá rẻ - tầm trung tốt như Huawei Nova 3E, Oppo F7 hay Xiaomi Redmi Note 5 đã được ra đời. Không một chiến dịch quảng cáo, truyền thông, Asus đã để đánh mất khách hàng, cũng là cơ hội quay trở lại thời kỳ hoàng kim của mình vào tay những đối thủ. Ở thời điểm hiện tại, Zenfone 5 đã chính thức được bán ra nhưng lại độc quyền bởi một nhà bán lẻ duy nhất, thêm phần thu hẹp đối tượng khách hàng của chiếc máy này. 

Dẫu sao, Zenfone 5 cũng đem lại một tín hiệu tốt. Nó cho thấy trong thời điểm mà sự cạnh tranh  lên đến đỉnh điểm với hàng loạt mẫu máy ngon-bổ-rẻ, Asus hoàn toàn có thể tạo ra một sản phẩm có sức hấp dẫn đối với người dùng. Tại Việt Nam, Zenfone 5 có thể sẽ không gặt hái nhiều thành công như những gì Samsung, Oppo hay Xiaomi làm được, nhưng nó đã mở đường cho một sự trở lại, và cũng là một tương lai mới đầy triển vọng dành cho hãng điện tử Đài Loan.

Có thể bạn quan tâm:
Share on Google Plus

Giới Thiệu Admin

Mình là Huy, nghề nghiệp chính là chạy xe ôm và bán cá sau 1 thời gian ế ẩm vì lượng khách ít ỏi tôi bắt đầu lấn sân qua ngành CNTT - Nếu 1 ngày nào đó 1lit xăng giá 10k thì tôi sẽ trở lại chạy xe. Nếu ai đã từng đi xe do tôi chở thì đừng ngạc nhiên xin cám ơn. Máy ảnh Fujifilm XA3,Máy ảnh Sony a6500 , Máy ảnh Nikon D5600

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Mình là Huy, mình đam mê công nghệ và muốn chia sẽ những thông tin mới nhất về công nghệ điện tử. Nếu mọi người thấy thú vị hãy để lại nhận xét bên dưới, mình sẽ giải đáp.